Cần có một giải pháp giao thông toàn diện, triệt để, có sự kết hợp giữa phương tiện kỹ thuật và yếu tố con người
Mục đích ban đầu khi lắp đặt barie ở quận 1 là tạo không gian giao thông cho người đi bộ nhưng thực tế cho thấy những barie này lại vô tình gây bất tiện và nguy hiểm cho người đi bộ khi lưu thông trên vỉa hè, cần phải cân nhắc trước khi áp dụng đại trà.
Ngoài ra, nhìn từ khía cạnh pháp lý, khoản 1, điều 32 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Như vậy, vỉa hè là không gian dành riêng cho người đi bộ khi tham gia giao thông và đối với những đoạn đường có vỉa hè, người đi bộ phải đi trên vỉa hè mới là tuân thủ theo quy định của pháp luật. Do đó, việc thực hiện các giải pháp giao thông nói chung và lắp đặt các công trình trên vỉa hè nói riêng, ngoài việc ngăn chặn hành vi sử dụng vỉa hè trái pháp luật cũng phải hướng tới mục đích bảo đảm quyền lợi cho người tham gia giao thông, tạo điều kiện cho họ chấp hành tốt những quy định pháp luật.
Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định hành vi điều khiển các phương tiện giao thông lấn chiếm vỉa hè (ngoại trừ một số trường hợp luật định) là vi phạm trật tự giao thông đường bộ, nếu phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề còn lại là người thi hành pháp luật thực thi nghiêm minh; các cơ quan, ban ngành, đội ngũ người thi hành công vụ phải quản lý, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm.
Lắp đặt rào chắn trên vỉa hè cũng chỉ là giải pháp kỹ thuật, chỉ có thể ngăn chặn phương tiện giao thông, còn thực trạng vỉa hè bị “chiếm đóng” bởi hàng, quán, xe đẩy… vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ gây cản trở lưu thông cho người đi bộ thì vẫn chưa thể nào giải quyết.
Do đó, vấn đề là cần có một giải pháp giao thông toàn diện, triệt để, có sự kết hợp giữa phương tiện kỹ thuật và yếu tố con người. Cụ thể là ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ của tất cả các chủ thể trong xã hội. Đặc biệt, trên cơ sở đã được nghiên cứu, tiên lượng, thử nghiệm thì mới có khả năng giải quyết một cách tối ưu những thực trạng giao thông trên TP nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông đô thị.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam)
Báo Người lao động (20/02/2017)
http://nld.com.vn/ban-doc/can-giai-phap-giao-thong-toan-dien-2017022022281293.htm