Phạt cao, vẫn không cao bằng lợi nhuận từ việc làm giả
Về xử lý hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những quy định rất cụ thể. Ví dụ, Điều 194 về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” đã quy định khung hình phạt rất nghiêm khắc, cao nhất có thể lên đến tử hình. Tuy nhiên, để áp dụng được chế tài hình sự, các cơ quan tố tụng phải chứng minh được các yếu tố cấu thành tội phạm rất chặt chẽ như quy mô, giá trị hàng giả, số lợi thu bất chính, hoặc hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Việc chứng minh này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, nhiều vụ việc dù có dấu hiệu nghiêm trọng, lại phải xử lý theo chế tài hành chính tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mức phạt hành chính, dù cao nhất lên đến 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức, nhưng so với lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thì mức phạt này rõ ràng là chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với tác hại gây ra cho xã hội.
Khó khởi tố hình sự: Vướng mắc từ định giá, dòng tiền đến giám định hậu quả
Theo tôi, việc khó xử lý hình sự bắt nguồn từ những khó khăn trong quá trình điều tra, chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cụ thể có các rào cản chính sau:
Thứ nhất, khó khăn trong việc định giá hàng giả. Theo quy định, việc truy cứu trách nhiệm hình sự thường căn cứ vào “giá trị hàng phạm pháp” hoặc “thu lợi bất chính”. Việc định giá một sản phẩm thuốc giả hay thực phẩm chức năng giả là cực kỳ phức tạp. Định giá theo giá sản phẩm thật, theo chi phí sản xuất hàng giả, hay theo giá bán ra thị trường? Mỗi cách tiếp cận đều có những tranh cãi pháp lý, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc thiết lập một cơ sở vững chắc để khởi tố.
Thứ hai, khó chứng minh “thu lợi bất chính”. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng các phương thức giao dịch rất tinh vi, không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Việc truy vết và chứng minh dòng tiền, xác định chính xác số lợi nhuận bất hợp pháp mà họ đã thu được là một thách thức lớn.
Thứ ba, khó chứng minh mối quan hệ nhân quả. Để áp dụng các tình tiết tăng nặng như “gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” hay “làm chết người”, cơ quan chức năng phải chứng minh được rằng chính việc sử dụng sản phẩm giả đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Đây là một quy trình giám định y khoa và pháp y phức tạp, tốn kém và không phải lúc nào cũng cho ra kết quả rõ ràng.

Chính vì những rào cản này, nhiều vụ việc dù có tính chất và hậu quả xã hội nghiêm trọng nhưng không đủ căn cứ vững chắc để truy tố hình sự, đành phải chuyển sang xử phạt hành chính.
Rải quy định: Mạnh ai nấy làm
Hơn nữa, việc quy định nằm rải rác trong các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự lúng túng, chồng chéo, thậm chí là tạo ra khó khăn trong quá trình thực thi.
Hiện nay, các quy định liên quan đến hàng giả được quy định tại rất nhiều văn bản khác nhau: Bộ luật Hình sự 2015, Luật Dược 2016, Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 và hàng loạt Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
Việc “rải” các quy định khắp các văn bản này dẫn đến việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra Y tế, Thanh tra Khoa học Công nghệ đôi khi thiếu đồng bộ. Mỗi cơ quan lại có thể có cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau, dẫn đến việc xác định thẩm quyền xử lý chính gặp khó khăn, làm chậm quá trình xử lý và tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm lợi dụng.

Rất cần có Luật Phòng, chống hàng giả!
Trước những thực tiễn cùng bất cập này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc ban hành một Luật chống hàng giả riêng biệt và cho rằng đây là một đề xuất cấp thiết. Việc xây dựng và ban hành một Luật Phòng chống hàng giả thống nhất sẽ khắc phục được tình trạng phân mảnh, chồng chéo hiện nay, tạo ra một hành lang pháp lý mạnh mẽ và đồng bộ.
Luật này cần tích hợp được các nội dung như: Cần có một định nghĩa pháp lý duy nhất, rõ ràng và bao quát về “hàng giả”, phân biệt rành mạch với “hàng nhái”, “hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” để tránh các cách hiểu khác nhau khi áp dụng.
Luật phải phân định rõ cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong từng giai đoạn từ thanh tra, điều tra, xử lý, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Luật xây dựng một hệ thống chế tài liên thông, đồng bộ giữa hành chính và hình sự. Có thể quy định các mức phạt hành chính lũy tiến cao hơn, đủ sức răn đe đối với các vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự.
Quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các nền tảng thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, đơn vị cho thuê kho bãi… khi tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn hàng giả.
Xây dựng cơ chế khởi kiện tập thể, đơn giản hóa thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Chữa cháy”: Đánh thẳng vào doanh thu, triệt hạ uy tín
Tuy nhiên, trong khi chờ có luật về hàng giả, để giải quyết tận gốc vấn đề và tăng cường tính răn đe, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp luật chung, chúng ta cần bổ sung ngay một số chế tài mang tính “đánh thẳng vào kinh tế và uy tín” của đối tượng vi phạm như:
Áp dụng hình phạt tiền dựa trên doanh thu hoặc lợi nhuận thay vì các mức phạt cố định, cần áp dụng mức phạt tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng doanh thu của hàng thật tương ứng, hoặc phạt gấp nhiều lần số lợi bất chính thu được. Chế tài này sẽ triệt tiêu hoàn toàn động lực kinh tế của hành vi phạm tội.
Cần áp dụng triệt để và tăng thời hạn của các hình phạt như: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vĩnh viễn đối với các pháp nhân tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm. Cấm vĩnh viễn các cá nhân chủ mưu, điều hành đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả được tham gia vào các hoạt động kinh doanh, quản lý trong lĩnh vực liên quan.

Bắt buộc công khai danh tính cá nhân, pháp nhân vi phạm cùng toàn bộ bản án, quyết định xử phạt trên các cổng thông tin quốc gia và phương tiện truyền thông đại chúng. Chế tài về uy tín này đôi khi còn có sức nặng hơn cả chế tài về tài chính.
Mặc dù luật đã có quy định, nhưng cần áp dụng mạnh mẽ hơn nữa chế tài hình sự đối với chính doanh nghiệp (pháp nhân thương mại), thay vì chỉ tập trung vào các cá nhân. Hình phạt có thể là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc phạt tiền với mức cực lớn.
Mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra một môi trường pháp lý mà ở đó, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả đều phải đối mặt với rủi ro bị phát hiện và cái giá phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích có thể thu được.
Nguồn: Tạp chí điện tử Nông thôn Việt
https://nongthonviet.com.vn/luat-su-nguyen-van-hau-chu-tich-hoi-trong-tai-thuong-mai-tphcm-xu-ly-hang-gia–nhung-diem-mu-phap-ly-684644eec105ac2690e8532c.ngn