Vừa qua, hàng trăm ngôi nhà ở hai phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) bị nhấn chìm lúc nửa đêm mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do cống Cán Dù ngăn triều cường bị trật bản lề làm cho nước từ sông Vàm Thuật tràn vào. Do nước dâng đột ngột nên gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ dân.
Để xác định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, trước tiên phải xác định cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý hệ thống cống thoát nước, ngăn triều cường và có hành vi gây ra sự cố trên. Sau đó phải tiến hành xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố trên, (do nhân khách quan hay do tác động của con người). Cuối cùng là phải xác định được thiệt hại thực tế mà những hộ dân phải gánh chịu trong trường hợp này. Vì đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống cống ngăn triều cường bị lật bản lề nên chưa thể đưa ra kết luận cụ thể về trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trong trường hợp xác định được nguyên nhân và loại trừ những trường hợp bất khả kháng cũng như trở ngại khách quan, thì các cá nhân, tổ chức đơn vị có trách nhiệm trọng việc quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa hệ thống cống hoặc những chủ thể khác có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra sự cố trên sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Người dân khốn khổ vì bị nước ngập. Ảnh T.L
Người dân khốn khổ vì bị nước ngập. Ảnh T.L

Về xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt hành chính trong trường hợp trên được áp dụng theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão. Giả sử, sự cố xảy ra là do trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc vận hành sai quy định công trình thủy lợi trên dẫn đến sự cố vừa qua thì cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với những hành vi vi phạm khác được quy định trong nghị định này, chủ thể vi phạm còn có thể bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo, các biện pháp xử phạt bố sung như: tước quyền sử dụng giấy phép đối với các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giấy phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ảnh T.L
Người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ảnh T.L

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù không có thiệt hại về người trong sự cố vừa qua nhưng thiết nghĩ thiệt hại về tài sản cho các hộ dân không phải là con số nhỏ. Trường hợp kết quả điều tra nguyên nhân sự cố cho thấy có hành vi phạm pháp luật của cá nhân, có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền cần thiết cũng phải tiến truy cứu trách nhiệm hính sự các cá nhân trên về các tội: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS), Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi song (Điều 238 BLDS)…nếu đáp ứng đủ các điều kiện cấu thành tội này.

Trường hợp xác định được cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm và xác định được thiệt hại thực tế từ sự cố trên thì các hộ dân bị thiệt hai có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại chương XXI Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài ngoài hợp đồng (và các hộ dân phải chứng minh được thiệt hại thực tế đã xảy ra để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại).

                 Luật sư Nguyễn Văn Hậu Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam

Nam Dương – Báo Lao động (04/01/2017)                                             

 http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/co-duoc-boi-thuong-do-su-co-vo-cong-gay-ngap-627130.bld           

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *