Hội thảo “Xây dựng hành lang pháp lý, bảo vệ nước mắm, nước chấm truyền thống” do 3 đơn vị là Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Trung tâm truyền thông báo Pháp luật Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Hội thảo diễn ra sáng ngày 11/11/2016 tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài luật gia Việt Nam (VLCAC, chủ tọa chương trình đã phát biểu: “Việc Vinastas công bố khoảng 67% mẫu nước mắm trên thị trường không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế và khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”  đã gây ra tác động tiêu cực cho cả người tiêu dùng lẫn những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.Việc không giải thích về sự độc hại hay vô hại của asen hữu cơ và asen vô cơ còn vô tình gây ra sự nhầm lẫn trong tiếp nhận thông tin cho người tiêu dùng. Và hành vi công bố thông tin sai lệch liên quan đến sản phẩm nước mắm của Vinastas có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm: “Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh”.

Tham gia hội thảo còn có đại diện một số doanh nghiệp nước mắm truyền thống như: Thông Hương (Cà Ná, Ninh Thuận), Nam Phan (Ninh Thuận), Tám Sạp (Cà Ná, Ninh Thuận), Ngọc Định (Bình Thuận) và  Bà Hai (Bình Thuận) … Sau khi nghe Tiến sĩ, Luật sư Thúy Hường – MC của Hội thảo, đặt các câu hỏi về những khó khăn mà các doanh nghiệp nước mắm truyền thống phải đối mặt sau sự cố truyền thông “Nước mắm nhiễm asen” vừa qua, đại diện các doanh nghiệp nước mắm cũng chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp của họ phải gánh chịu như tốn rất nhiều thời gian, công sức để giải thích cho khách hàng của mình rằng nước mắm truyền thống là an toàn, không có hóa chất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng bày tỏ sự mong muốn và khao khát là các doanh nghiệp nước mắm truyền thống tại Việt Nam cần phải liên kết lại để xây dựng thương hiệu chung cho nước mắm truyền thống tại Việt Nam cũng như pháp luật cần bảo vệ các doanh nghiệp nước mắm truyền thống trước những hành vi cạnh tranh không lạnh mạnh của các doanh nghiệp khác.

Xen lẫn chương trình là phần tham luận của các chuyên gia gồm ông Trần Giang Khuê – Phó Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, ThS Nguyễn Thị Huyền – Trưởng phòng Thanh tra pháp chế và Sở hữu trí tuệ, Đại học Khoa học Tự nhiên và TS Lê Thị Nam Giang –  Giám đốc trung tâm sở hữu trí tuệ trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp sản xuất nước mắm nói riêng. Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm cần chú ý đến việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ mà pháp luật quy định như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp … để bảo vệ tối đa các giá trị của doanh nghiệp.

Tham dự Hội thảo, ông Lê Kim Hùng – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cũng đã chia sẻ về việc cần phân biệt giữa doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống và doanh nghiệp sản xuất nước mắm hóa chất cũng như cần thiết phải bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trước những hành vi cạnh tranh không lạnh mạnh. Nhìn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định, nếu chứng minh được các thiệt hại về uy tín và doanh thu sau khi Vinastas công bố khảo sát nước mắm truyền thống nhiễm asen, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu Vinastas bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp Vinastas không đồng ý bồi thường thì các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước mắm truyền thống có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật và các chủ thể bị xâm phạm quyền lợi bởi việc công bố thông tin không rõ ràng và không minh bạch của Vinastas còn có thể yêu cầu đơn vị này đăng thông tin đính chính một cách đầy đủ, rõ ràng về nội dung kết luận nhằm trấn an dư luận và xin lỗi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách chính thức.

Kết thúc hội thảo Luật sư Nguyễn Văn Hậu thông tin trong thời gian sắp tới, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để tổ chức thêm những hội thảo và các khóa huấn luyện về pháp lý để trang bị kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung để giúp các chủ thể này ý thức hơn về các tài sản trí tuệ và việc quản trị tài sản trí tuệ.

Trọng Đức